Aurora EVM là gì? Nó lại quan trọng như thế nào đối với hệ sinh thái NEAR? Tại sao vai trò của EVM lại được nhiều người để ý như vậy?

Ngày 12/5 vừa rồi, Aurora EVM – máy ảo Ethereum trên NEAR Protocol – đã ra mắt sau một thời gian dài phát triển. Đây là một sự kiện được chờ đợi từ lâu bởi cộng đồng NEAR, và điều đó được chứng minh qua giá của NEAR ngay sau khi EVM ra mắt (tăng gần 50% sau khi sideway thời gian dài).

Sau sự ra mắt của Aurora EVM, chắc chắn số lượng dự án trên NEAR sẽ gia tăng rất nhanh chóng.

Aurora EVM là gì?

Aurora EVM – hay máy ảo Ethereum Aurora – là một ứng dụng hoạt động trên NEAR Protocol cung cấp giải pháp mở rộng cho các dApps trên Ethereum lên NEAR. Máy ảo Aurora là smart contract trên NEAR Protocol, cung cấp giải pháp tương tự giải pháp Layer 2 cho Ethereum 1.0, giúp các dApps trên Ethereum có độ mở rộng cao hơn.

Aurora EVM có hai thành phần chính:

  • Aurora Engine: Cho phép các hợp đồng thông minh bằng các ngôn ngữ lập trình Solidity và Vyper được triển khai.
  • Aurora Bridge: Là ứng dụng cầu nối được xây dựng dựa trên Rainbow Bridge, cho phép các token trên Ethereum có thể được chuyển sang NEAR để tạo pool, giao dịch và sử dụng.

Aurora EVM hướng tới sự tương thích tuyệt đối với các công cụ phát triển trên Ethereum 1.0, bao gồm Truffle và Hardhat.

Theo cách giải thích dễ hiểu, Aurora EVM là công cụ giúp các nhà phát triển có thể sao chép, mở rộng các dApps từ Ethereum sang NEAR. Điều này có nghĩa rằng các dApps trên Ethereum đều có thể được fork hoặc được đội ngũ dự án mở rộng sang NEAR Protocol vô cùng dễ dàng.

Điểm nổi bật của Aurora EVM

Bởi là Smart Contract hoạt động trên NEAR Protocol, Aurora EVM thừa hưởng tất cả những đặc tính đặc biệt của NEAR Protocol. Dự định trong thời gian tới, AuroraDAO sẽ được vận hành trên SputnikDAO 2.0, để phục vụ việc quản trị giao thức.

Để người dùng từ Ethereum dễ dàng làm quen với Near Protocol thông qua Aurora EVM, người dùng Aurora EVM có thể trả gas fee trên Aurora bằng ETH, giúp người dùng trên Ethereum khi chuyển sang NEAR có thể có trải nghiệm tốt.

Aurora EVM cũng có một roadmap rất cụ thể và chi tiết như sau:

  • Mùa hè 2021: Ra mắt giao thức với người dùng. Sau khi ra mắt, dự án sẽ liên tục nâng cấp và hỗ trợ người dùng để hot-fixed các lỗi giao thức, từ đó hoàn thiện giao thức trước khi chuyển qua giai đoạn tiếp theo. Trong thời gian này, AuroraDAO cũng sẽ được thành lập trên SputnikDAO, và DAO sẽ bàn luận về việc thiết kế token dự án.
  • Mùa thu 2021: Tăng tốc cầu nối chuyển đổi token từ Ethereum qua NEAR (hiện tại tốc độ chuyển token đang khá chậm, giao dịch có thể tốn tới gần 16 tiếng, bởi tốc độ xử lý bên Ethereum). Aurora dự định loại bỏ các thông số blockchain trên Interface của dự án để giúp những người dùng không hiểu gì về blockchain vẫn có thể tương tác với ứng dụng ví và các ứng dụng khác. Ngoài ra, Aurora cũng sẽ phát triển thêm các lựa chọn trả phí gas cho người dùng, bao gồm USDT, DAI.
  • Năm 2022: Đặc tính nổi bật của NEAR Protocol là sharding, và khả năng mở rộng của blockchain. Mục tiêu của Aurora là mang tới trải nghiệm khả năng mở rộng tương tự tới cho người dùng Ethereum thông qua Aurora.

Những bước tiếp theo của hệ sinh thái NEAR

Đầu tiên, đây là công cụ vô cùng quan trọng để thu hút lượng nhà phát triển đông đảo trên Ethereum qua NEAR Protocol với khả năng mở rộng cao và phí giao dịch thấp, tốc độ giao dịch cao. Điều này là bởi vì Aurora EVM khiến việc phát triển ứng dụng trở nên vô cùng dễ dàng với các developers trên Ethereum.

Tiếp theo, khi nhìn qua các hệ sinh thái có EVM khác, anh em sẽ thấy dòng tiền chảy về các hệ sinh thái này đều vô cùng dễ dàng (như BSC, Tron, Polygon,…) bởi các dự án có thể xuất hiện với tốc độ cao, từ đó tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư, từ đó thu hút được lượng lớn user khiến hệ sinh thái bùng nổ.

Theo dự đoán bản thân, sau khi Aurora EVM ra mắt, các dự án trên Ethereum sẽ được scale sang hoặc fork sang NEAR Protocol rất nhiều, thuộc đa dạng các mảng nhưng khởi đầu sẽ là AMM DEX, Lending & Borrowing và DeFi Stablecoin, để lấp đầy dần dần bức tranh DeFi trên NEAR Protocol.

Thật ra ngay sau khi Aurora EVM ra mắt, đã có hai dự án đầu tiên thuộc hai mảng trên công bố họ sẽ phát triển giao thức trên NEAR Protocol thông qua Aurora EVM, bao gồm LollySwap – AMM DEX fork từ Uniswap V2 và DeFiner – Lending & Borrowing mở rộng từ Ethereum qua.

Lời kết

Bởi đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái NEAR, DeFi trên NEAR hứa hẹn sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Việc marketing cho dApps trong thời gian qua cũng được đẩy mạnh, NEAR Foundation đang tài trợ rất mạnh tay cho các ứng dụng DeFi trên NEAR qua những hoạt động như The Sandbox,…