Non fungible Token (NFT) là một loại token mã hóa trên blockchain đại diện cho một loại tài sản duy nhất.
Nó có thể là utility token, security token,… tài sản kỹ thuật số và phân loại của chúng đang phát triển cùng với công nghệ mã hóa và blockchain. Vì các NFT không thể thay thế cho nhau, chúng có thể hoạt động như một bằng chứng về tính xác thực và quyền sở hữu trong lĩnh vực kỹ thuật số.

“Non-fungible token” là một tài sản kinh tế mã hóa (crypto economy) kỹ thuật số đại diện cho các sản phẩm và dịch vụ vật lý hay kỹ thuật số. Khái niệm “có thể thay thế” (fungible) có nghĩa tài sản này có thể được tráo đổi để có được một tài sản y hệt hay có giá trị tương đương. Một tờ tiền 10 dollar có thể được thay thế bởi một tờ y hệt hoặc 2 tờ 5 dollar. Không thể thay thế về mặt pháp lý (non-fungible) có nghĩa là một thứ không thể thay thế hay chia nhỏ thành nhiều phần – bởi vì đó là một tài sản được chứng thực là duy nhất.

Nói theo cách khác, NFT là một loại tài sản kỹ thuật số có chứa thông tin về quyền sở hữu được lưu giữ trên blockchain. NFT được dùng để xác thực kỹ thuật số các món hàng như tác phẩm nghệ thuật, vật phẩm game,… Phần lớn NFT được lưu giữ trên mạng blockchain Etherum hay các mạng blockchain khác như Flow, Solana, Polygon cũng hỗ trợ loại chứng thực số này.

Nói ngắn gọn, blockchain là một hệ thống cho phép theo dõi giao dịch gửi và nhận thông tin trên mạng Internet. Nó có chức năng như một sổ cái lưu trữ thông tin dưới dạng các khối dữ liệu (data block) được ghép lại thành một chuỗi (chain). Tài sản số duy nhất đã được lưu trên blockchain sẽ không thể bị thay đổi, mãi mãi độc nhất và đó là lý do tại sao chúng có thể đắt đến vậy.

NFT vận hành như thế nào?

NFT là một dạng chữ ký số được lưu giữ trên blockchain, công nghệ tương tự cách mà tiền mã hóa (cryptocurrency) hoạt động. Các bằng chứng số (token) đại diện cho tài sản liên kết như tác phẩm nghệ thuật số đóng vai trò xác thực tài sản là duy nhất và là phiên bản gốc. Đó có thể là một file ảnh tĩnh, ảnh động, nhạc hay bất cứ loại tệp tin kỹ thuật số nào.

NFTs ra đời như một phương pháp đăng ký quyền sở hữu đối với một tài sản đặc biệt, bao gồm tranh ảnh nghệ thuật, vật phẩm game… Tài sản số này trở thành một NFT khi nó được đánh dấu trên blockchain, nhờ đó nó được gán thêm một đoạn hash mã hóa đặt biệt. Khi đó tài sản được coi là đã được tokenized (xác thực số). Nhờ đó, bất kỳ ai cũng có thể xác minh được độ tin cậy của tài sản cũng như quyền sở hữu đối với tài sản đó, khiến cho việc làm giả tài sản đó trở nên bất khả thi.

Làm thế nào để tạo ra NFT?

Trước khi bắt đầu, bạn cần lựa chọn xem mạng blockchain nào bạn muốn sử dụng để phát hành NFT. Etherum là mạng lưới được sử dụng bởi phần lớn các nghệ sĩ khi tạo ra NFT. Tuy nhiên ngày càng có nhiều blockchains khác trở nên phổ biến cũng có khả năng tạo ra NFT như: Binance Smart Chain, Flow bởi Dapper Labs, Tron, EOS, Polkadot, Tezos, Cosmos, WAX…
Mỗi blockchain này đề có chuẩn NFT token, ví cũng như các sàn giao dịch riêng. Ví dụ nếu bạn tạo ra NFT trên Binance Smart Chain, bạn chỉ có thể trao đổi chúng trên các chợ NFT hỗ trợ mạng tài sản Binance Smart Chain (BSC) và đồng BNB. Có nghĩa là bạn sẽ không thể bán chúng trên các chợ như VIV3 – một nền tảng giao dịch dành cho mạng Flow của Dapper Labs, hay OpenSea vốn dành cho mạng Etherum và Polygon.

Do Etherum là mạng lưới dẫn đầu về nền kinh tế NFT, một số thứ bạn cần nếu bạn có ý định sử dụng mạng Etherum đó là:
– Ví kỹ thuật số hỗ trợ ERC-721 (chuẩn token NFT Etherum) như MetaMask, Trust Wallet hay Coinbase Wallet. Khoảng $50-$100 dưới dạng ETH, đồng tiền của mạng Etherum. Bạn có thể mua ETH tại các sàn giao dịch tiền mã hóa.
– Sau khi đã sở hữu một chút ETH để giao dịch, có một số các chợ NFT cho phép bạn kết nối ví và đăng tải hình ảnh hoặc file bạn muốn biến thành NFT.
– Các chợ NFT chính trên mạng Etherum bao gồm: OpenSea, Rarible, Mintable.

Trên OpenSea và các chợ khác, bạn có thể đính kèm các thông tin về tính năng đặc biệt vào NFT để tăng độ hiếm và đặc biệt cho NFT của bạn. Các nghệ sĩ có thể đính kèm các nội dung đặc biệt chỉ chủ sở hữu có thể xem. Nội dung đính kèm này có thể là bất kì thứ gì, ví dụ mật khẩu để truy cập vào các dịch vụ hay mã coupon, thông tin liên lạc.

 

Làm thế nào để mua NFT ?

Trước khi bạn móc hầu bao mua NFT, có 4 câu hỏi bạn cần suy nghĩ kĩ:

Mua NFT từ chợ nào? Sử dụng ví nào để kết nối với nền tảng chợ NFT? Sử dụng loại tiền mã hóa nào để nạp vào ví và sử dụng? NFT bạn muốn mua sẽ được bán như nào? Đấu giá? Mở bán giới hạn?…

Có thể bạn đã biết, một số NFT chỉ sẵn có trên một số nền tảng nhất định. Ví dụ, nếu bạn định mua NBA Top Shot, bạn cần mở tài khoản NBA Top Shot, tạo ví Dapper và nạp tiền dưới dạng token USDC hay loại token phù hợp khác. Bạn cũng cần phải đợi sản phẩm được công bố và nhanh tay mua trước khi hết hàng.

Mở bán giới hạn là một phương pháp để tăng độ hiếm của NFT nhờ tạo ra một nhóm khách hàng với nhu cầu mua mạnh. Những đợt mở bán thường yêu cầu người mua đăng ký tài khoản và nạp tiền vào trước để tránh lỡ cơ hội mua được NFT. Những đợt bán này chỉ kéo dài vài giây, nên bạn cần chuẩn bị sẵn mọi thứ.

 

Một số chợ NFT phổ biến bao gồm:
– OpenSea
– Rarible
– SuperRare
– Nifty Gateway
– Foundation
– Axie Marketplace
– NFT ShowRoom
– VIV3
– BakerySwap