Amy Webb là một nhà tương lai học và cô đã có kinh nghiệm 15 năm làm việc trong lĩnh vực này. Trong trường hợp bạn chưa biết tương lai học là gì, công việc của Webb tại Viện Future Today Institute là theo dõi sát các xu hướng công nghệ trên thế giới.
Cô sẽ tìm gặp các nhà khoa học và kỹ sư hàng đầu, những người đang đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực, từ công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo, BigData cho tới công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR…
Các cuộc trao đổi giữa Webb và những nhà khoa học này sẽ giúp cô hình dung và dự đoán được viễn cảnh thế giới trong tương lai sẽ thay đổi như thế nào nhờ tốc độ phát triển của khoa học công nghệ.
Tất cả những kiến thức dạng này sẽ hữu ích cho các doanh nghiệp, tổ chức, và thậm chí các quốc gia trong việc hoạch định chiến lược lâu dài. Họ vì vậy cần tìm đến những nhà tương lai học có tầm nhìn xa như Webb khi cần tư vấn. Cô hiện được đánh giá là một trong những nhà tương lai học nổi bật nhất thế giới ở thời điểm hiện tại.
Như một phần công việc mới nhất của mình, Webb đã cùng nhà di truyền học tiên phong Andrew Hessel xuất bản một cuốn sách có tự đề “The Genesis Machine” tạm dịch là “Cỗ máy tạo hóa“. Cuốn sách nói về tiềm năng và cả những cạm bẫy của lĩnh vực sinh học tổng hợp đang rất phát triển.
Sinh học tổng hợp đại diện cho một lĩnh vực nghiên cứu cách thao túng vật chất sống. Chúng ta có thể dựa vào đó để tạo ra các loại thực phẩm mới, các loại thuốc mới và thậm chí cả các loài sinh vật mới, bao gồm chính con người.
Tờ Washington Post mới đây đã mời Amy Webb tham gia một buổi phỏng vấn để nói về tất cả những chủ đề này. Cuộc trò chuyện giữa họ sẽ giúp bạn hình dung được thế giới trong tương lai của chúng ta sẽ thay đổi ra sao, với sự phát triển của các công nghệ sinh học tổng hợp.
Những đứa trẻ sẽ có nhiều hơn 2 cha mẹ
Đó là những gì mà Amy Webb và Andrew Hessel đã dự đoán trong cuốn sách của mình. Các công nghệ sinh học tổng hợp hiện nay đã có thể cho phép con người thao tác với DNA và tạo ra những phôi thai theo chủ ý.
Điều ngăn cản các nhà khoa học làm điều đó lúc này chỉ là những quy định đạo đức khoa học, liên quan đến thử nghiệm lâm sàng trên người. Khi họ xóa một gen gây bệnh di truyền bẩm sinh trong phôi thai của một đứa trẻ, điều này được cho là phù hợp với các đồng thuận về đạo đức khoa học hiện tại.
Nhưng bằng cùng một cách, họ cũng có thể thêm vào các gen giúp đứa trẻ cao hơn, thông minh hơn hoặc miễn nhiễm với HIV. Điều này thì bị coi là vi phạm đạo đức và các nguyên tắc mà thế giới khoa học đang quy định.
“Tất cả các con đường đều dẫn đến thuyết ưu sinh. Lo ngại của chúng ta hiện giờ là nó sẽ đưa chúng ta tới với “Gattaca” – khi các quốc gia có thể thiết kế ra các quần thể có chủ đích”, Webb nói.
Bằng cách thiết kế ra một quần thể có gen vượt trội hơn, một quốc gia có thể có được lợi thế chính trị của họ khi sở hữu những công dân ưu tú hơn, thông minh hơn, hoặc thậm chí một quân đội thiện chiến hơn.
Webb nghĩ các công nghệ hỗ trợ sinh sản có thể làm được điều đó bằng cách chọn lọc và kết hợp gen của những cá nhân ưu tú nhất lại với nhau. “Điều mà chúng tôi đang nói đến ở đây là một công nghệ giúp con người có thể chọn lọc và thiết kế ra những sinh vật sống có chủ đích hơn“, cô nói.
“Có thể điều đó nghĩa là một người có thể sử dụng vật liệu di truyền của chính họ để mang thai và sinh ra những đứa bé. Nó có thể mở ra cơ hội để chọn lọc các tính trạng từ nhiều hơn 2 cha mẹ”.
Với công nghệ hỗ trợ, con người có thể sinh sản ở bất cứ độ tuổi nào
Trong cuốn sách mới của mình, Webb cho biết cô tin tưởng mạnh mẽ các công nghệ sinh sản trong tương lai sẽ phát triển đến độ thay đổi niềm tin triết học của con người vào cách mà chúng ta được sinh ra.
“Hiện tại, việc tạo ra một đứa trẻ phụ thuộc rất lớn vào sự may rủi và tình cờ, hoặc bạn có đủ tiền để liên tục cấy phôi IVF. Bây giờ là năm 2022, thật khó để sinh con. Nhưng mọi thứ ở tương lai không nên như vậy“, cô nói.
Theo đó, con người sẽ sớm có được các công nghệ như tử cung nhân tạo, cho phép chúng ta tạo ra những bào thai bên ngoài cơ thể, giải phóng phụ nữ khỏi việc mang thai.
Và điều đó cũng đồng nghĩa giới hạn độ tuổi sinh sản không còn ý nghĩa nữa. Một người đàn ông có thể đông lạnh tinh trùng của mình ở tuổi 20 và giữ nó suốt cuộc đời. Một người phụ nữ cũng có thể đông lạnh trứng của họ.
“Sinh học tổng hợp đang cho chúng ta nhiều lựa chọn. Trong tương lai khoảng 40 năm nữa, tôi nghĩ sẽ có nhiều người sống tới năm 60-70 tuổi rồi mới quyết định sinh con”, Webb nói.
Những giống cây trồng, vật nuôi mới, thịt nhân tạo
Rõ ràng, sinh học tổng hợp không chỉ để áp dụng cho con người. Các công nghệ này trong tương lai cũng có thể được sử dụng để thay đổi cách chúng ta tạo ra thực phẩm, và cả dược phẩm.
“Đây là điều tôi cảm thấy rất tâm đắc, khi nói về cách công nghệ có thể giúp cung cấp thực phẩm cho các tình huống bất ổn kinh tế hoặc sau một thảm họa khí hậu lớn”, Webb nói.
“Chúng ta cần tìm ra những cách mới để mở rộng quy mô sản xuất, cho dù đó là các nhà máy sản xuất trong nhà hay sử dụng kỹ thuật di truyền để tạo ra cây trồng hoặc tạo ra các loại ngũ cốc có thể chịu được nhiệt độ khắc nghiệt.
Và sau đó là động vật. Có quá nhiều bất ổn trên thị trường vì sự phụ thuộc đáng kinh ngạc của chúng ta vào thịt. Và tôi nghĩ lý tưởng thì chúng ta cần sản xuất thịt theo một cách khác”.
Hiện tại, các công nghệ tổng hợp protein nhân tạo đã cho phép chúng ta sản xuất ra những miếng thịt nhân tạo đầu tiên. Chỉ có điều, chúng còn khá đắt. Công việc của các nhà khoa học và kỹ sư công nghiệp lúc này là tìm cách sản xuất chúng một cách đại trà để hạ giá thành.
Công nghệ 5G và metaverse
Chuyển sang một lĩnh vực khác, phóng viên của Washington Post đã hỏi Amy Webb về làn sóng 5G: “Tác động tức thì lớn nhất theo quan điểm của cô là gì?”.
Webb nói: “Tác động tức thời lớn nhất mà tôi nghĩ sẽ không xảy ra ở đây [Mỹ]. Nó sẽ xảy ra ở Trung Quốc. 5G sẽ đẩy một số lượng cực kỳ lớn người dùng lên internet cùng một lúc. Và đột nhiên, điều đó khiến Trung Quốc trở thành một thị trường hàng hóa và dịch vụ cực kỳ hấp dẫn”.
Kết quả của cuộc chạy đua 5G có thể quyết định đến độ cân bằng của cán cân thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện giờ là Mỹ và Trung Quốc.
Phủ sóng 5G cũng sẽ cho phép Trung Quốc thử nghiệm một số ứng dụng mới, chẳng hạn như y tế từ xa, giao hàng bằng máy bay không người lái. Sự thực là họ đã thực hiện được một số ca mổ từ xa, trong đó các bác sĩ có thể điều hành một phòng phẫu thuật ở cách họ hàng trăm km, sử dụng cánh tay robot và giao tiếp với các y tá gần như không có độ trễ.
Về phần metaverse, một thế giới ảo mô hình hóa mọi thứ có mặt trong đời sống thật đang rất hot hiện nay, Webb cho biết có thể nhiều khía cạnh của thế giới ảo này đã bị cường điệu hóa.
Tuy nhiên, cô dự đoán các nhà phát triển công nghệ sẽ sớm xây dựng được một thế giới kỹ thuật số song song với thế giới thực tại. “Nó sẽ là sự kết hợp giữa thế giới vật lý và kỹ thuật số”, Webb nói.
Bạn sẽ không sớm bước vào được một thế giới hoạt hình có mọi thứ và có thể làm mọi điều như bên ngoài thế giới thực, nhưng những ứng dụng hấp dẫn của metaverse như một thực tại ảo tăng cường sẽ sớm xuất hiện.
Điện thoại di động sẽ biến mất vào năm 2031
Như một hệ quả của một thế giới tích hợp với metaverse, có lẽ internet và thế giới ảo sẽ cần hiện thân nhiều hơn. Lúc đó, tương tác của chúng ta sẽ phải được mở rộng hơn và không còn bị ràng buộc ở những ngón tay lướt trên màn hình điện thoại.
Amy Webb tin rằng điện thoại di động sẽ sớm trở thành một công nghệ lỗi thời và không còn đáp ứng được nhu cầu của chúng ta nữa. “Chúng tôi đã nói về viễn cảnh đó trong Báo cáo năm 2018 của mình, rằng điện thoại thông minh sẽ biến mất vào năm 2031“, cô nói.
Thay vào đó, con người sẽ có nhiều công nghệ đeo cho phép chúng ta nhìn thấy và tương tác trên internet hoặc metaverse bằng các cử chỉ thường ngày.
Sự biến mất của điện thoại di động có vẻ như chỉ là một thay đổi nhỏ về hình thức. Nhưng khi phương tiện dùng để truy cập internet thay đổi, điều đó sẽ kéo theo mọi thứ khác trong đời sống thay đổi.
“Chỉ cần nghĩ đến thị lực thôi. Ngay bây giờ, chúng ta thường thấy mỏi mắt khi nhìn vào màn hình. Điều này sẽ sớm được khắc phục trong thời gian tới”, Webb nói.
Tham khảo Washingtonpost