Tiêu đề của bài viết này có quen thuộc với bạn?

Thị trường X bắt đầu phá vỡ một ngưỡng cản/ngưỡng hỗ trợ cứng của nó và xu hướng (trend) được tiếp tục hình thành hay đi tiếp một cách mãnh liệt, dứt khoát. Nó giống như một quả cầu tuyết lăn xuống từ đỉnh núi,  và gia tốc càng ngày càng lớn hơn. Thế rồi ngay sau đó, bạn thấy thị trường quay lại cái ngưỡng cứng cáp vừa bị phá kia và một dấu hiệu của price action xuất hiện tại ngưỡng ấy, đồng thời cùng chiều với xu hướng đang có.

Tuy nhiên, thay vì nhanh chóng thực hiện một lệnh giao dịch thì bạn ngồi ngây người ra, như con hươu đứng giữa đường và nhìn chằm chằm vào hai bóng đèn ô tô sáng lóa chiếu vào nó và chẳng làm bất kỳ điều gì cả. Bạn nghĩ rằng : “thị trường đã tăng/giảm mấy trăm pips rồi cơ mà, kệ nó, tăng/giảm nữa sao được.”

Không lâu sau đó, thị trường tiếp tục đi theo con đường đang có của nó mà không có bạn cùng đồng hành. Lúc này bạn sẽ cảm thấy tiếc nuối, rồi thất vọng, thậm chí tức giận vì đã để lỡ mất một khoản tiền lớn.

Kịch bản trên thường xuyên xảy ra với những nhà giao dịch ngoại hối.

VẤN ĐỀ “CON HƯƠU ĐƠ CỨNG NGƯỜI TRƯỚC ĐÈN Ô TÔ”

Rất nhiều những người mới tham gia giao dịch và cả những người đã có kinh nghiệm nhiều năm, phải đối mặt với cái gọi là tình trạng “sợ giao dịch”, vì thua nhiều nên họ mất tự tin, mỗi lần vào lệnh là một lần sợ. Bạn có thể làm gì để vượt qua nỗi sợ hãi này?

Trading rất khó, đó là điều mà ai cũng biết và công nhận. Mỗi lệnh giao dịch, mỗi hoàn cảnh thị trường, mỗi thời kì đều là độc nhất.

“Mark Douglas” quá cố đã từng nói : “không có hai khoảnh khắc nào trong thị trường mà giống nhau y hệt.”, và bởi vậy nên người giao dịch hay lưỡng lự và ngập ngừng tự hỏi liệu “dấu hiệu thế kia” có nên vào hay không?

Hãy lục lại ký ức của bạn, đã bao lần bạn thấy (những) dấu hiệu rất rõ ràng và tin cậy nhưng rồi lại chỉ ngồi ngây ra nhìn nó với đủ thứ suy nghĩ tính toán trong đầu, rồi sau đó thị trường đi theo chính xác những gì mà bạn nghĩ lúc đầu khi nhìn (những) dấu hiệu ấy? Thường thì nó còn đi xa hơn nữa cơ.

Xu hướng của thị trường nhiều khi lại rất hiển nhiên, đến mức chúng ta còn chẳng tin nó sẽ đi tiếp được xa hơn nữa. “Sao mà đi được nữa dễ dàng vậy, khó lắm.”

Thực vậy, một trong những vấn đề lớn của mọi người là họ hay nghĩ kiểu như “thị trường đã tăng/giảm mạnh trong thời gian ngắn đến thế rồi thì tăng/giảm quái gì được hơn nữa“. Tôi cũng nghĩ thế, trong quá khứ, những bài học quá xương máu từ thị trường chứng khoán Việt Nam.

Về bản chất, chúng ta cũng nhận thức được rằng thị trường HOÀN TOÀN (NHIỀU KHẢ NĂNG) CÓ THỂ đi xa hơn nữa, dưới cái bóng dáng của một xu hướng mạnh mẽ, nhưng chính bản thân chúng ta tự thuyết phục mình rằng, nó không thể đi xa hơn được nữa. Đây là điển hình của việc suy nghĩ quá nhiều/ quan sát, đo đạc bảng điện tử quá nhiều.

Tôi thấy rằng, trong một thị trường đang có xu hướng mạnh mẽ, sự re-test, pullbacks, hay retraces thường không sâu, thậm chí còn nhiều khi không có luôn. Khi thị trường đang di chuyển trên đà của nó, chúng ta cần tìm một điểm vào để ăn theo những con sóng lớn của nó, chúng ta không muốn kiên trì mãi để ngồi đợi những điểm hồi mà có thể chúng chẳng bao giờ xuất hiện. (Tất nhiên, bạn cần có kỹ năng và sự cảm nhận về thị trường, về khi nào thị nó đang có một xu hướng mạnh và khi nào thì không)

Một kịch bản khác của vấn đề này (con hươu đơ người trước ánh đèn ô tô lúc đi qua đường) là khi chúng ta nhìn thấy một ngưỡng hỗ trợ giữ giá ở đó một cách rất chắc chắn trên thực tế, nhưng khi chúng ta định vào lệnh thì trong đầu lại nghĩ rằng nó sẽ không “giữ” được như thế nữa. Và chúng ta tiếp tục ngồi đó nhìn, trong lòng còn hi vọng mình nghĩ đúng, rằng đến cái ngưỡng kia thì lần này nó sẽ không “giữ” được nữa, chứ không phải là hi vọng giá sẽ đi theo hướng nhận định ban đầu. Thế rồi thị trường rơi xuống ngưỡng hỗ trợ và bật lên trở lại rất mạnh, bạn tiếc vì mình đã không vào.

Rất trớ trêu là cùng một dạng setup, nhưng khi bạn quyết định đứng ngoài thì nó diễn ra đúng với nhận định ban đầu của bạn. Rồi đến lần tiếp theo, cũng kiểu setup ấy, bạn nhanh chóng vào lệnh, nhưng thị trường lại không đi theo hướng ấy. Bạn bực tức, thất vọng, chán nản, bạn nghĩ rằng có lẽ “số” mình không hợp với món Forex này.

Chìa khóa để giải quyết vấn đề ở đây là : bạn PHẢI giao dịch cả hai (một cái là lúc đầu ngập ngừng không vào rồi nó là một lệnh thắng, một cái là vào lệnh ngay lập tức rồi nó là một lệnh thua). Điều cốt yếu là tỉ lệ RISK/REWARD.

**************

GIẢI PHÁP GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

Bạn cần thật sự hiểu được rằng : trading là một trò chơi của xác suất. Khi gặp được setup đúng với phương pháp của mình, đừng chần chừ mà không vào lệnh. Nếu bạn ngập ngừng trước một dấu hiệu vào lệnh tuyệt vời, nó sẽ phá hoại tư duy giao dịch của bạn, bởi nếu bạn vào lệnh đó và thua, bạn bắt đầu nghi ngờ bản thân và phương pháp của mình.

Bạn cần luôn luôn phải nhớ rằng chúng ta đang giao dịch với những xác suất, chứ không phải một điều đã được xác định. Mỗi một lệnh giao dịch đều có một khả năng thắng thua ngẫu nhiên. Phương pháp giao dịch của chúng ta là để nâng cao khả năng thắng và đặc biệt là số tiền khi thắng luôn nhiều hơn (vài lần – nhiều lần) số tiền khi thua. Như vậy về lâu dài, ta kiếm được tiền trên thị trường ngoại hối.

Lần tới, khi thấy một điều gì đó trên thị trường làm đôi mắt bạn sáng lên, hãy hành động, chỉ đơn giản vậy thôi. Cũng giống như khi bạn có được 2 lá bài mạnh như (K Át hay đôi Át cùng chất) trong Poker thì bạn sẽ tự động nâng cược và cược lớn, còn trên tay là hai lá như 3 6 thì bạn tự động bỏ bài (fold).

Là một trader, bạn cần phải có một lá gan lớn, hay như các cụ vẫn nói : “có chí thì làm quan, có gan thì làm giàu”, nghề trader không dành cho tất cả mọi người. G.Soros ngày xưa từng cược mọi thứ mình có vào đồng bảng Anh, nếu mọi chuyện không xảy ra như ông dự tính, cái tên Soros không xuất hiện trên bản đồ. Trên thực tế, có rất nhiều người “đen đủi” như vậy. “Livermore” cũng đã phá sản nhiều lần trong đời, kết thúc cuộc đời mình bằng việc tự tử …

Nếu bạn thấy cơ hội tốt rồi lại cứ ngập ngừng chẳng dám vào, thôi đừng giao dịch forex nữa.
Nếu bạn thấy lệnh đang lãi/lỗ được một chút, táy máy cắt sớm, nghĩ rằng thêm bớt được mấy đồng tốt rồi, thôi đừng làm trader nữa.

Hãy hạ thấp số tiền cắt lỗ, chọn một con số mà bạn cảm thấy thoải mái khi mất, một con số mà bạn có thể ngủ ngon mà không mơ về bảng điện ngày mai và sợ rằng lúc mở thì lệnh đã bị cắt lỗ. Giờ thì bạn sẽ không ngập ngừng nữa đâu.

Thị trường luôn đi xa hơn những gì bạn nghĩ/tính. Thế nên cũng đừng nghĩ ngợi nhiều làm gì, đừng nhọc công tính toán xem đỉnh/đáy nó sẽ ở đâu. Nếu bạn thấy một xu hướng (trend) mạnh, hãy cứ đi theo nó, cho đến khi nó chỉ ra cho bạn rằng tao đã “hết xăng”. Đừng bao giờ tự thuyết phục bản thân, hãy nhìn vào giá – sự thật.

Trading là một công việc về đầu óc, bạn có thể giao dịch cho đến tận khi về già, thế nên đừng vội vàng nhảy vào chiến trường Forex khốc liệt, nơi mà số người thua lỗ chiếm đa số, khi bản thân chưa được trang bị những kiến thức cần thiết. Muốn kiếm được tiền, bạn cần con số tính bằng năm, không phải tuần, không phải tháng.

st