Stop Out Level là gì?
Stop Out Level là ngưỡng dừng giao dịch tính theo tỷ lệ phần trăm được Broker quy định. Khi Margin Level giảm xuống dưới ngưỡng này, đồng nghĩa với tài khoản của nhà đầu tư không còn đủ để duy trì các vị thế mở do thiếu hụt ký quỹ. Khi đó sự kiện Stop Out sẽ được thực thi ngay lập tức.
Mỗi sàn giao dịch sẽ quy định mức Stop Out Level khác nhau và mức quy định này được đưa ra để bảo vệ tài khoản của trader không bị âm cũng như ngăn chặn cháy tài khoản.
Stop Out là gì?
Stop Out là thuật ngữ chỉ hành động Broker đóng các vị thế giao dịch của nhà đầu tư do Margin Level giảm xuống dưới mức Stop Out Level mà sàn quy định. Quá trình đóng lệnh này diễn ra tự động mà không cần phải thông báo cho nhà đầu tư. Các lệnh thua lỗ nhiều nhất sẽ bị đóng đầu tiên.
Stop Out là hành động để sàn giao dịch ngăn chặn việc số dư trong tài khoản của trader bị âm.
Khi tài khoản của trader giảm xuống dưới mức ký quỹ (Margin Level) quy định, sàn sẽ gửi thông báo “Margin Call“. Nếu trader không nạp thêm tiền vào tài khoản hay đóng bớt các lệnh thua lỗ thì khi Margin Level giảm xuống mức Stop Out Level thì sự kiện Stop out sẽ diễn ra và các lệnh giao dịch thua lỗ sẽ bị cắt tự động.
Cách tính Stop Out
Tuy từng sàn giao dịch và từng loại tài khoản sẽ có quy định mức Stop Out Level khác nhau, nhưng thông thường sẽ rơi vào khoảng 20 – 30%. Điều này có nghĩa là khi mức ký quỹ của bạn giảm xuống bằng hoặc dưới 20 – 30% lệnh Stop Out sẽ được kích hoạt.
Để biết tài khoản của bạn đã chạm stop out hay chưa có thể tính theo công thức sau:
Stop out = Equity/Margin
Trong đó:
- Equity: Số tiền thực tại đang còn trong tài khoản của bạn
- Margin: Số tiền ký quỹ khi thực hiện các giao dịch.
Để mọi người có thể dễ hình dung về cách tính Stop Out hãy cùng phân tích ví dụ sau:
Giả sử sàn giao dịch A có mức Margin Call là 50%, mức dừng lệnh Stop Out là 20%. Số dư trong tài khoản của bạn là 10.000 $ và bạn mở một vị thế giao dịch với ký quỹ là 1.000 $.
Nếu thị trường “quay lưng” đi ngược hướng và vị thế của bạn mất 9.800 $, vốn chủ sở hữu sẽ chỉ còn 200$. Stop out theo công thức trên sẽ được tính 200/1000 = 20% bằng với mức quy định của sàn. Khi đó Stop Out sẽ được tự động kích hoạt, các vị thế của bạn sẽ tự động đóng.
Stop out và Margin Call khác nhau như nào?
Ban đầu, giao dịch ký quỹ (Margin) là một giải pháp để các nhà đầu tư có vốn nhỏ có thể tham gia giao dịch và thu nhiều lợi nhuận hơn. Tuy nhiên, giao dịch ký quỹ cùng tiềm ẩn rủi ro tăng mức độ cháy tài khoản. Vì thế, các broker đã đưa ra Margin Call và Stop out để ngăn chặn tài khoản của trader không bị âm.
Tuy nhiên, mức độ của Stop out sẽ nặng nề hơn là Margin call. Để phân biệt 2 hình thức này mời bạn đọc tham khảo trong phần dưới đây:
Stop out | Margin Call | |
Bản chất | Là quá trình tự động đóng một hoặc nhiều vị thế và các nhà giao dịch không thể can thiệp. | Là cảnh báo từ sàn giao dịch khi số tiền ký quỹ còn dư không đủ để duy trì các vị thể đang mở. |
Mức độ cảnh báo | Khi bị Stop Out, các vị thế mở sẽ lần lượt bị đóng theo mức giá thị trường. | Khi có cảnh báo Margin Call, nhà giao dịch được lựa chọn nạp thêm tiền hoặc đóng vị thế thủ công. |
Để hiểu rõ hơn về sự khác nhau giữa Stop out và Margin Call, bạn có thể tham khảo ví dụ sau:
Vốn chủ sở hữu (Equity) hiện tại của bạn là 100$. Khi bạn đặt 4 lệnh với mỗi lệnh là ký quỹ 15$, Margin Level là 100%, Stop Out Level của sàn sẽ là 30%. Lúc này, Used Margin của tài khoản là 60$ và Margin Level được tính bằng (100/60) x100% = 167%.
Nếu như các lệnh của bạn thua lỗ 40$, Equity = 60$ và Margin Level = (60/60) x 100% thì bạn sẽ bị cảnh báo về Margin Call.
Trong trường hợp này mà bạn không đóng giao dịch hoặc không nạp thêm tiền vào tài khoản, lệnh tiếp tục thua lỗ, Equity chỉ còn 18$ và Margin Level = 30%, sàn sẽ tự động Stop Out lệnh đang âm của bạn.
Cách phòng tránh Stop Out trong giao dịch Forex
Khi giao dịch Forex, nhà đầu tư cần xây dựng các nguyên tắc trong giao dịch để tránh Stop Out hiệu quả. Dưới đây là một số cách tránh Stop Out mà nhà đầu tư nên thực hiện:
- Hạn chế giao dịch trước các sự kiện quan trọng: Trên thị trường Forex thường có những tin tức gây ảnh hưởng nhiều đến giá. Do đó, trước thời điểm tin ra hoặc có sự kiện quan trọng, nhà đầu tư không nên giao dịch bởi giá sẽ biến động khôn lường, khó nắm bắt.
- Giao dịch với quy mô nhỏ: Đầu tư luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì thế trader không nên đặt hết trứng vào một giỏ mà nên chia nhỏ số vốn để đầu tư và luôn có quỹ dự phòng.
- Dùng lệnh dừng lỗ: Để giảm thiểu rủi ro cho tài khoản thì chắc chắn nhà đầu tư không thể bỏ qua lệnh dừng lỗ. Hiện tại có rất nhiều công cụ giúp nhà đầu tư xác định mức cắt lỗ phù hợp như Fibonacci, tỷ lệ R: R, chỉ báo ATR hoặc tùy theo từng chiến lược giao dịch…
- Không nhồi lệnh: Khi thua lỗ đến mức bị Margin call, nhiều người có tâm lý “gỡ gạc” nên cố gắng nhồi lệnh thêm. Nếu bạn đủ may mắn thì vẫn có thể lội ngược dòng lấy lại những gì đã mất, nhưng chơi forex không phải là một trò may rủi, nên khi thị trường tiếp tục đi ngược với những gì trader dự tính bạn sẽ cháy tài khoản nhanh hơn bao giờ hết. Tốt nhất là bạn nên tạm dừng lệnh và bắt đầu lại vào một thời điểm khác khi mà trạng thái tâm lý đã tốt hơn.
Kết luận
Bài viết trên đã chia sẻ đến các nhà đầu tư và bạn đọc Stop Out là gì và “tất tần tật” cách phòng tránh Stop Out trong giao dịch Forex. Khi đã hiểu rõ những thông tin này, nhà đầu tư có thể an tâm và tự tin giao dịch để tránh tài khoản về không nhanh chóng. Hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn đơn giản hóa chiến lược giao dịch và vững vàng hơn trước những biến động trên thị trường.