Trở thành 1 trader thành công không hề dễ dàng, chắc chắn rồi. Nào là kỷ luật thép, nào là sự kiên nhẫn không tưởng, nào kiến thức hiểu biết, nào niềm đam mê vô tận, … nó đòi hỏi những “dạng” thói quen mà đa phần người bình thường không thể có được.

Mỗi trader thành công có 1 phong cách khác nhau, hoặc gần giống nhau, nhưng tựu chung lại, chúng ta có thể liệt kê ra những thái độ mà trader thành công nào cũng (nên/phải) có.

 

Thái độ cần có ở một trader

Họ không phản ứng gì khi biết kết quả của 1 lệnh giao dịch

Rất nhiều loại cảm xúc sẽ đến với bạn sau mỗi lệnh giao dịch hoàn thành : có thể là thất vọng, chán nản, sung sướng, tràn đầy niềm tin và hi vọng, … Một trong những bức tường lớn cản trở con đường trở thành một trader thành công của bạn chính là bức tường của cảm xúc mà bạn có thể có trước, trong và sau mỗi một lệnh giao dịch.

Những tay chuyên nghiệp coi mỗi 1 lệnh giao dịch chỉ đơn giản là một nhiệm vụ cần thực thi đúng với hợp đồng (phương pháp của bạn) ban đầu, nếu A thì B, nếu C thì D, … không hề có chút cảm xúc nào len vào. Tôi có 2 gợi ý giúp bạn dễ dàng thực hiện theo như sau :

 

1) Giao dịch thành công không phải trong 1,2 lệnh giao dịch mà thành, nó là kết quả của một chuỗi dài những giao dịch khác nhau. Bạn cần có đủ sự kỷ luật thép (hoặc kim cương hay chất nào cứng nữa thì đúng hơn) để thực thi phương pháp giao dịch của mình với trạng thái không cảm xúc.

2) Duy trì số tiền rủi ro trong mỗi lệnh giao dịch của bạn, hãy thật sự thoải mái trong trường hợp bạn bị thua mất lệnh ấy. Điều này giúp bạn không bị thất vọng hay nhiều cảm xúc tiêu cực khác điều khiển sau một lệnh thua, tương tự với một lệnh thắng. Kiểm soát rủi ro thông qua số khối lượng lot của 1 lệnh để bạn không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi bất kỳ lệnh thua hay thắng nào, cả 2 chúng đều sẽ dẫn bạn đến những lỗi giao dịch ngay sau này.

 

Họ cực kỳ tự tin, nhưng là tự tin có cơ sở

Tự tin là một trong những yếu tố chủ chốt để trở thành một trader thành công. Bạn phải tin tưởng vào chính bản thân mình, tin tưởng vào phương pháp giao dịch của mình, tự tin vào khả năng của bạn để đi theo nó, và có đủ sự kỷ luật để thực hiện nó.

Tự tin có nghĩa là khi bạn dính phải 1 loạt lệnh thua liên tiếp, điều vẫn hoàn toàn xảy ra với những trader giỏi nhất, bạn không nghi ngờ về bản thân, về phương pháp giao dịch và vẫn tiếp tục thực hiện theo đúng những gì bạn đã làm.

Bạn cần phải tự tin rằng mình có đủ năng lực để xua tan mọi cảm xúc, dù thắng được số tiền lớn hay mất đi số tiền còn lớn hơn, như tôi đã nói : nếu A thì B, C thì D, tất cả chỉ là như vậy.

Tự tin cũng có nghĩa rằng bạn hoàn-toàn-thật-sự hiểu phương pháp giao dịch của mình và biết được mình đang tìm kiếm những điều gì khi nhìn vào thị trường. Bạn biết khi nào một cơ hội thật-sự tốt và đáng để mạo hiểm đồng tiền của mình xuất hiện. Để có được điều này, bạn cần trải qua một thời gian dài chú tâm vào học, và phải học ở nơi đúng đắn, hiệu quả chứ không phải ba cái buổi hội thảo vớ vẩn ở Việt Nam hay hàng sa số những khóa học cũng của người Việt Nam. Tôi chân thành khuyên bạn nên theo học những khóa học của nước ngoài, rào cản ngôn ngữ là thứ gì đó rất rất nhỏ nếu như bạn quyết tâm. Tôi nghĩ với những người chưa biết gì về giao dịch ngoại hối, việc có tìm được một nơi học tập kiến thức tốt được hay không, có lẽ phụ thuộc nhiều vào may mắn.

Tự tin không có nghĩa rằng bạn là bất khả chiến bại, bạn có tỉ lệ chiến thắng 99%. Không, những lệnh thua luôn xuất hiện, rất nhiều, với bất kỳ nhà đầu tư hàng đầu nào, có thể bạn không biết được là họ đã thua nhiều đến đâu thôi. Họ rất tự tin, nhưng không ngạo mạn, và cân bằng cảm xúc với những gì mà thị trường đem lại, là những lệnh thắng và tất nhiên, những lệnh thua.

 

Họ cực kỳ tốt trong việc “không-làm-gì-cả”

“Làm gì” trong giao dịch đã khó, ấy vậy mà việc không-làm-gì-cả lại khó khăn hơn nhiều. Bạn có thể nào ngồi không 1 tháng hay thậm chí nhiều hơn mà không đặt 1 lệnh giao dịch nào không? Đó là những gì mà các trader hàng đầu vẫn thường xuyên làm.

Việc hiểu và biết được khi nào thì KHÔNG nên giao dịch cũng quan trọng như việc bạn biết khi nào thì nên giao dịch (với tôi thì nó còn quan trọng hơn).  Những traders thành công biết rằng họ nên “ở ngoài” thị trường nhiều hơn nhiều lần, so với việc ở trong nó, và họ làm điều này rất tốt. Họ không kiếm tiền bằng cách luôn luôn “ngồi” trong thị trường, họ không phơi tài khoản mình ra trước mặt hàng nghìn rủi ro mỗi phút, mỗi giờ, …

Chúng ta biết rằng không thể lệnh nào cũng là lệnh thắng, ngay cả những thiết lập nến tưởng chừng là hoàn hảo nhất vẫn phản lại ta, thỉnh thoảng. Điều đó có nghĩa, là một trader, bạn đang “chơi trò chơi” của xác suất, (giao dịch ngoại hối có nhiều nét tương đồng với poker và có nhiều chuyên gia khuyên bạn nên chơi poker vì nó sẽ bổ trợ cho forex và ngược lại).

Vì là xác suất nên chúng ta chỉ mạo hiểm ở những cơ hội thật-sự-ngon-ăn, nếu bạn giao dịch cứ đều đều mỗi ngày vài chục lệnh, bạn chỉ đơn giản là đang đánh bạc mà thôi. Bạn cần luôn kiên nhẫn và kỷ luật để chờ đợi, giống như 1 tay lính bắn tỉa trong forex vậy. Mỗi ngày, nếu cơ hội tốt không đến, điều duy nhất bạn cần làm là .. không làm gì cả, bạn có thể dành thời gian cho những thú vui, sở thích cá nhân để góp phần giúp bạn tránh xa được thị trường. Những tay chuyên nghiệp có thể 1 vài tháng không vào lệnh nào và họ vẫn thường như thế, nếu giao dịch ngoại hối là nơi có rủi ro tài chính bậc nhất thế giới, nơi hầu hết mọi người tham gia là thua lỗ, vậy thì tại sao bạn vẫn làm theo những gì số đông vẫn làm ?

 

Họ luôn có những giấc ngủ ngon

Giấc ngủ rất quan trọng, chúng ta dành đến khoảng gần 1/3 cuộc đời chỉ .. để ngủ, và giấc ngủ cũng vô cùng quan trọng với giao dịch ngoại hối.

Một giấc ngủ ngon giúp bạn đảm bảo sức khỏe thể chất lẫn tinh thần để giao dịch. Và khi bạn ngủ ngon, cũng đồng nghĩa với việc bạn đang không cho lệnh giao dịch của mình những mức độ rủi ro quá lớn, thật khó để yên giấc khi còn lo không biết thị trường sẽ thế nào, liệu có bị chạm stoploss hay không, …

Thiếu ngủ, mệt mỏi nhìn bảng điện tử, sẽ rất dễ khiến bạn ra những quyết định ngu ngốc và phải trả giá. Tôi lại nhớ về thời gian đầu khi bắt đầu giao dịch ngoại hối, có nhiều hôm tôi phải thức trắng đến 5 – 6h sáng hôm sau, tôi không đặt stoploss mà thích cắt bằng tay, tôi chờ xem tin ra thị trường sẽ phản ứng thế nào, tôi cứ ngồi và nhìn bảng điện tử, … thật là kinh dị.

Hãy lên giường và đánh một giấc thật ngon lành, thị trường luôn luôn ở đó vào ngày mai, ngày kia và cả lúc bạn không còn trên cõi đời này nữa. Việc gì phải khổ ?

 

Họ rất yêu công việc giao dịch, nhưng không “nghiện” nó

Yêu giao dịch ở đây có nghĩa là yêu giao dịch một cách đúng đắn. Bạn yêu sự kỷ luật, yêu sự kiên nhẫn, yêu những hình dáng cây nến, yêu cách thị trường vận động và phản ứng, …

Sẽ là không có vấn đề gì khi bạn luôn luôn theo dõi thị trường, nhưng quan trọng là không để bị nó cuốn vào với những quyết định ngu ngốc. Để đạt được điều này không hề đơn giản, vậy nên tôi vẫn luôn khuyên bạn (thường là những trader mới và còn thiếu kinh nghiệm) hãy cố gắng rời xa bảng điện tử để tránh những vấn đề như giao dịch quá nhiều, thích vào lệnh linh tinh khi cơ hội tốt chưa đến, …

Những forex traders giỏi nhất cực kỳ yêu thích việc giao dịch, nhưng họ không để tình yêu ấy lẫn với sự kỷ luật và kiên nhẫn, họ thích vào lệnh nhưng lệnh đó phải có xác suất thắng rất cao và họ sẵn sàng đợi chờ 1 vài tháng nếu nó không xuất hiện. Bởi giao dịch thành công được tạo thành nhờ sự kỷ luật và tính kiên nhẫn, chúng ta phải yêu nhưng không mù quáng.

 

Họ kiên trì học hỏi về  trading và học hỏi từ chính bản thân mình

Bất kỳ forex trader lâu năm nào có lẽ cũng đều nói với bạn rằng giao dịch ngoại hối là một bài kiểm tra “tối thượng” về khả năng kiểm soát bản thân của những người tham gia.

Nếu bạn quyết định và quyết tâm trở thành một forex trader, bạn không chỉ học về giao dịch, học về thị trường, học về nến, học về lịch sử kinh tế … mà hơn hết, bạn còn học hỏi từ chính bản thân mình.

Trader thường sẽ khá đơn độc, chúng ta ít khi (và không nên) chia sẻ suy nghĩ của mình với người khác, tự làm tự chịu, không kể (nhiều) về công việc của mình. Chúng ta phải trở thành những bậc thầy trong việc kiểm soát bản thân, suy nghĩ logic – không bao giờ để cảm xúc xen vào, … đây là những việc rất khó, nhất là khi những đồng tiền xương máu đặt trước mặt.

Học, học nữa, học mãi, mất tiền lại học. Bạn đừng bao giờ ngừng trau dồi bản thân, hãy luôn cầu thị học hỏi từ thị trường, học hỏi từ những người thành công khác, … ngày càng hoàn thiện mình hơn, hiểu về mình hơn để trở thành một trader thành công, và trở thành 1 con người tốt hơn trong xã hội (việc bạn trở nên kiên nhẫn hơn chắc chắn sẽ giúp tính cách bạn tốt hơn rất nhiều).

 

Họ không nói, ít khi nói, tránh nói về công việc giao dịch  của bản thân mình

Đã có rất nhiều người đã thành công, nổi tiếng trong lĩnh vực giao dịch (ngoại hối, chứng khoán, …) như Buffett, Soros,… khuyên rằng bạn không nên nói về công việc giao dịch của mình. Và đây cũng chính là một thái độ mà chúng ta nên có.

Phần lớn con người chúng ta, ai cũng muốn “khoe” một chút, không ít thì nhiều, những thành công của mình, khát khao được người khác công nhận. Chẳng có gì sai trái ở đây cả, đó là một nhu cầu rất đỗi tự nhiên của con người, ai cũng muốn có được sự công nhận, nể phục của người khác.

Tuy nhiên, khi bạn giao dịch ngoại hối, nó lại là một con dao hai lưỡi, mà phần thiệt nhiều hơn lợi, trừ phi bạn đang muốn bán khóa học, bán hội thảo, bán một cái gì đó (và thường những người này giao dịch chẳng đâu vào đâu) … Những cá nhân mà tôi biết (đa phần ở nước ngoài), họ chỉ “show” tài khoản khi kêu gọi mở quỹ đầu tư, phần nhiều trong số những người show tài khoản ấy không để lộ thông tin cá nhân. Ở Việt Nam chúng ta thì bệnh show tài khoản (và show nhiều thứ khác) bị mắc tương đối nặng, một tư duy rất tiểu nông.

Giao dịch ngoại hối là một cuộc chiến thầm lặng (đối với những nhà giao dịch cá nhân nhỏ lẻ như chúng ta), bạn càng tránh được những cảm xúc không cần thiết càng tốt, và một trong những điều đem lại cho bạn nhiều cảm xúc nhất đó là đi nói về công việc giao dịch forex của mình với người khác.

Bạn hãy thử nghĩ thật kĩ mà xem.