Là một người mới tham gia giao dịch ngoại hối (tài khoản thật – real), bạn dễ dàng bị mất tiền, cảm thấy bối rối và quá tải trước quá nhiều thông tin ập đến với mình. Điều tốt nhất mà bạn nên làm lúc này là hãy để mọi chuyện chậm lại 1 chút, thật bình tĩnh và tìm hiểu kỹ càng những vấn đề liên quan.
Trong bài viết ngày hôm nay, tôi sẽ liệt kê những lời khuyên tốt nhất dành cho bạn, nếu là một người mới trong lĩnh vực này. Hãy đọc đi đọc lại nhiều lần, ghi vào những tờ giấy note màu vàng và dán trước màn hình vi tính, bạn sẽ phải mất nhiều thời gian để học nó đấy, cũng như tôi đã từng như vậy. Tiếc rằng hồi mới tập tọe giao dịch, tôi không được ai cho những lời khuyên này, và phải trả bằng (nhiều) tiền học phí cho thị trường.
1) HỌC NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN TRƯỚC NHẤT
Rất rất nhiều nhà giao dịch mới lao ngay vào thị trường mà chẳng có mấy kiến thức về thị trường mà họ đang giao dịch. Trước khi giao dịch, bạn phải biết thị trường ngoại hối là gì, cách thức nó hoạt động ra sao, ý nghĩa của những từ chuyên môn là gì, …
Sau khi bạn hiểu những điều này, mới đến lúc học về phương pháp giao dịch. Hãy hiểu mình đang nằm trên “vùng chiến sự” nào, nếu không chỉ vài giây thôi khi bước vào trận địa thực tế, bạn đã tử ẹo (cháy tài khoản) mà còn chẳng hiểu lí do vì sao …
2) LỰA CHỌN CHỈ 1 PHƯƠNG PHÁP DUY NHẤT VÀ TẬP TRUNG “TU LUYỆN” THEO NÓ
Một trong những sai lầm lớn nhất của mọi người đó là họ thay đổi phương pháp giao dịch rất thường xuyên, hôm nay thấy anh ta dùng phương pháp A, tháng sau đã thấy đang nói về việc phương pháp B hay ho ra sao, 2 tháng nữa lại thấy đang tập phương pháp C mà nghe nói là trăm trận trăm thắng.
Về điều này có lẽ tôi khá may mắn, khi phương pháp giao dịch hiện tại đang gắn bó là diễn biến giá (price action) chỉ là phương pháp thứ hai mà tôi tìm hiểu. Phương pháp 1 là tự tôi nghĩ ra.
Thị trường ngoại hối với hàng nhiều triệu nhà giao dịch tham gia, có hàng trăm (cũng có khi hàng nghìn) phương pháp giao dịch, không ai có thể khẳng định đâu là phương pháp giao dịch tốt nhất. Quan điểm của tôi thì thế này : không phải bởi tôi đang giao dịch theo phương pháp diễn biến giá – hành động giá (price action) mà thiên vị cho nó, nhưng nếu có thể khẳng định phương pháp nào đơn giản nhất và dễ học nhất, tôi tin chắc chắn “price action” chiếm vị trí đầu tiên. Nếu như bạn là một người mới trong thị trường này, tôi chân thành khuyên bạn nên tìm hiểu và thực hành nó.
Không có thuật giả kim nào trong giao dịch ngoại hối, không có phương pháp nào giúp bạn đánh đâu thắng đó, đừng chuyển hết từ phương pháp này sang phương pháp kia chỉ bởi một vài lệnh thua hay 1 khoảng thời gian nhỏ giao dịch không hiệu quả. Bạn cần học nó, hiểu nó, thuần thục trong việc thực hành giao dịch theo nó, … trước khi biết được nó có hiệu quả hay không? Nếu bạn hỏi về thời gian thì tôi nghĩ 06 tháng là mức tối thiểu để bạn kiểm tra phương pháp có ổn không, nếu sau (ít nhất) 06 tháng mà bạn thấy kết quả tồi tệ, hãy tìm hiểu một phương pháp mới.
3) ĐỪNG ĐỂ BỊ QUÁ TẢI
Trong thời đại internet tốc độ cao có mặt mọi lúc mọi nơi, khối lượng kiến thức và khả năng để tìm đến chúng thật sự là quá khổng lồ và không có giới hạn. Là một người mới, bạn bị ngợp trước lượng thông tin về thị trường, về các phương pháp giao dịch, về các sàn giao dịch, về ti tỉ thứ liên quan đến ngoại hối.
Cách tốt nhất để tránh được việc này, là tìm một người thầy, một người chỉ dẫn cho bạn. Nếu bạn không gặp quá nhiều trở ngại về ngôn ngữ, hãy tham gia các diễn đàn nước ngoài, mua những khóa học được đánh giá cao (hãy vui vẻ đầu tư cho việc học), … chúng rất tốt và sẽ tiết kiệm cho bạn cả về thời gian lẫn tiền bạc. Bạn tiếc không bỏ vài trăm $ ra học rồi đánh mất nó dễ dàng trong 1,2 lệnh giao dịch, đâu mới là khoản đầu tư thông minh đây?
Khi đã tìm được nguồn mà bạn tin tưởng và thấy phù hợp, hãy loại bỏ tất cả những thứ còn lại, tập trung vào con đường mình đã chọn, vào người mà mình cảm thấy tin tưởng.
4) ĐỪNG SỢ, ĐỪNG HOẢNG, ĐỪNG LO LẮNG, ĐỪNG BỐI RỐI, ĐỪNG … NẾU LỆNH ĐANG GIAO DỊCH ĐANG ĐI NGƯỢC LẠI VỚI HƯỚNG BẠN CHỌN
Điều này xảy ra với phần lớn nhà giao dịch, đặc biệt là những người mới. Vì không có kinh nghiệm, vì thiếu sự tự tin, họ trở nên lo lắng khi lệnh không đi theo đúng ý mình, nhất là khi vừa đặt lệnh xong.
Nếu bạn là một người giao dịch lâu năm, đã bao nhiêu lần (tôi nhắc lại : đã BAO NHIÊU LẦN) bạn thấy giá thị trường chỉ cách ngưỡng đặt cắt lỗ của bạn một khoảng rất ngắn nữa thôi, rồi nó bật ngược trở lại và biến một lệnh có nguy cơ thua lỗ thành thắng lớn? Đã bao nhiêu lần bạn sợ hãi trước vận tốc chạy của nến và vội vàng cắt lỗ bằng tay trước khi chạm điểm cắt lỗ tự động, để rồi sau đó tự sỉ vả mình vì không có đủ dũng cảm lẫn tự tin để thị trường tự làm phần việc của nó? Câu trả lời chắc chắn luôn là rất nhiều, bạn không chỉ mất tiền do cắt lỗ, bạn còn mất 1 khoản tiền nhiều hơn bởi số tiền lời đáng ra đã có.
Bạn sẽ hỏi tôi liệu có cách nào để hạn chế và khắc phục được điều này không? Nó rất đơn giản thế này : hãy đặt điểm cắt lỗ của bạn ở một vị trí hợp lý, có cơ sở và an toàn ; quản lý khối lượng lệnh giao dịch bạn đưa vào thị trường sao cho số tiền thua lỗ nếu có luôn luôn làm bạn thấy thoải mái, không căng thẳng và mặc-kệ-nó. Tôi khuyên bạn sau khi vào lệnh nên tắt luôn máy tính và đi chơi, đi làm việc khác. Không tác động vào lệnh khi nó đã vào trong thị trường sẽ luôn là hành động khôn ngoan và sinh lời tốt nhất bạn có thể làm. Nếu bạn còn chưa tin, hãy thử và tự mình trải nghiệm điều này.
5) TẬP TRUNG VÀO GIÁ, THỨ PHẢN ÁNH CHÍNH XÁC NHẤT NHỮNG GÌ ĐANG DIỄN RA
Bạn có bao giờ nghĩ xem ngày xưa khi mà máy vi tính chưa ra đời, các nhà giao dịch phải giao dịch như thế nào không? Không có các đường RSI, MACD, phần mềm thống kê, robot giao dịch tự động, … nào cả, tất cả chỉ có giá – giá – và giá.
Họ ghi chép giá ra những tờ giấy rất dài, hoặc ghi lên những chiếc bảng to, họ phân tích việc giá thay đổi và những đường đi của nó. Đây chính là phương pháp “tự nhiên” nhất và là một trong những phương pháp lâu đời nhất (từ những năm 1700). Nếu bạn chưa biết ai là người sáng tạo nên những chiếc nến Nhật mà bạn nhìn thấy ngày nay, thì đó chính là một nhà kinh doanh gạo người Nhật Bản và ông ta đã kiếm những khoản tiền khổng lồ nhờ phương pháp do mình nghĩ ra.
Nó rất đơn giản và vô cùng hiệu quả, bạn đừng muốn biến mọi thứ trở nên phức tạp, chỉ bởi cảm giác cảm thấy có lẽ sẽ yên tâm hơn khi có nhiều đường chỉ báo và kỹ thuật bổ trợ nhưng không, chúng làm bạn rối loạn, làm bạn mất phương hướng và làm lộn xộn mạch định hướng của bạn. Thậm chí có nhiều người muốn bảng biểu đồ của mình loằng ngoằng hết mức có thể, bởi họ nghĩ như vậy mới chuyên nghiệp, như vậy mới tạo được ấn tượng với người khác, … Tôi hi vọng họ kiếm được tiền.
Đừng phí thời gian, công sức và tiền bạc vào những thứ không cần thiết, trong cả việc giao dịch ngoại hối hay những vấn đề khác trong cuộc sống của bạn. Hãy cố gắng giữ mọi thứ đơn giản, nhiều hơn không có nghĩa là tốt hơn, “less is more”.
6) HÃY LUÔN THỰC TẾ
Đây có lẽ là điều khó nhất và cũng quan trọng bậc nhất đối với một người mới bước chân vào lĩnh vực giao dịch ngoại hối. Bạn có lẽ đang tràn đầy phấn khích và mơ màng về việc có thể từ bỏ công việc hành chính, tự do rong chơi khắp thế gian và kiếm được nhiều tiền với chỉ một dụng cụ là chiếc laptop dùng để giao dịch. Bạn tưởng tượng ra số tiền mơ ước mà mình vẫn hằng khao khát kiếm được mỗi tháng, bạn thấy mình nổi tiếng và nhận được những ánh mắt hâm mộ từ người quen …
Không, đấy không phải là những gì diễn ra trong thực tế. Nếu ai đó nói với bạn rằng hãy mở tài khoản đi, mở ngay, và anh sẽ như thế, vậy thì hãy nhanh chóng rời xa người này, càng xa càng tốt, trước khi bạn bị sự thật nhấn chìm.
“Vậy tôi có thể kiếm được nhiều tiền với giao dịch ngoại hối không, sao tôi thấy rất nhiều người làm được cơ mà?”. Vâng, bạn hoàn toàn có thể làm được điều ấy. Nhưng con đường dẫn đến thành công ấy là rất xa và nhiều chông gai, những khó khăn cả về vật chất và tinh thần. Và bạn nên biết rằng, chỉ từ 10-20% hoặc ít hơn, là giao dịch có lãi, còn lại là thua lỗ.
Nếu như bạn hiểu rằng, để đạt được đến thành công (là kiếm được tiền với công việc này), bạn sẽ trải qua hàng trăm vạn thứ “bẫy” mà thị trường giăng ra, rất nhiều những sắc thái của cảm xúc : buồn-vui-phấn khích-thất vọng-bực tức-chán nản-tuyệt vọng-…, rất rất nhiều điều phải học mỗi ngày, thì hẳn bạn sẽ không cảm thấy quá thất vọng và nhanh chóng bỏ cuộc sau khi bị thị trường vùi dập. Ai rồi cũng phải trải qua, ai rồi cũng phải nhiều lần làm cháy tài khoản, chúng ta không có con đường trải đầy hoa hồng ở đây, mà đi kèm với nó là hàng nghìn gai nhọn đâm chọc. Liệu bạn có đủ dũng cảm và niềm tin để bước tiếp?
7) ĐỪNG GIAO DỊCH QUÁ NHIỀU
Chậm nhưng chắc và đều đặn, chính là cách mà bạn kiếm tiền và tồn tại trên thị trường đầy khắc nghiệt này. Giao dịch với tuần suất cao đem lại cho bạn rất nhiều cảm xúc, sự căng thẳng và mệt mỏi, đồng thời số tiền quí giá trong tài khoản của bạn luôn bị đem ra đặt cược rủi ro, mà tỉ lệ mất chúng là vô cùng lớn.
Nếu bạn mới biết đến blog này, hãy tìm đọc các bài viết của tôi trước đây, chúng nói rất nhiều đến việc này.
8) HÃY TẬP TRUNG VÀO BIỂU ĐỒ NGÀY (DAILY – D1)
Bạn cần hiểu, thành thạo và giao dịch thật tốt kiểu biểu đồ này trước khi thử sang những khung thời gian khác. Đây cũng là một chủ đề được tôi chia sẻ và bàn luận trong rất nhiều bài viết, hãy tìm đọc chúng.
9) ĐỪNG ĐẶT NGƯỠNG CẮT LỖ QUÁ NHỎ
Đây là một trong những sai lầm thường gặp nhất đối với các traders, ngưỡng cắt lỗ của bạn phải được đặt ở một vị trí an toàn và có cơ sở logic.
Bạn đặt nó quá nhỏ và gần điểm vào lệnh, cũng giống như bạn không cho nó được một cơ hội để thành công, bạn đưa nó vào tình thế hiểm nghèo. Thị trường luôn dập dình lên xuống, và một điểm cắt lỗ quá “chặt” khiến lệnh giao dịch của bạn không thể tồn tại dù với một vài rung động sóng nhỏ nhất.
Hãy tìm đọc những bài viết hướng dẫn bạn đặt điểm cắt lỗ chính xác và hợp lý trong blog của tôi.
10) ĐỪNG VỘI VÀNG LAO VÀO THỊ TRƯỜNG KHI CHƯA ĐƯỢC “HỌC HÀNH” BÀI BẢN
Điều này tưởng chừng như quá đỗi hiển nhiên nhưng có quá nhiều người cứ thế là giao dịch tiền thật khi họ còn thậm chí chưa hiểu hết những thuật ngữ trong giao dịch ngoại hối, chưa được trang bị những kiến thức dù chỉ cơ bản thôi với thị trường, …
Việc học hành này chỉ diễn ra sau 1 khoảng thời gian (thường là rất ngắn) họ bị thua lỗ quá nhiều, và cảm thấy cần nghiêm túc hơn với công việc, số đông khác thì bỏ chạy khỏi thị trường, một số nghĩ rằng mình đang bị lừa đảo.
Kỳ lạ thay khi người ta vẫn có ý định lao ra chiến trường khi bản thân còn chưa biết cách cầm súng ra sao, súng bắn thế nào hay có những vấn đề gì có thể xảy ra với súng và cách xử lí. Và khi đứng giữa chiến trường khốc liệt, chợt nhận ra thiếu sót đó thì họ chẳng có lấy một cơ hội sống sót.
nguồn: Internet